Top 10 bài phân tích nhân vật anh thanh niên sâu sắc nhất
Anh Thanh Niên là nhân vật chính, là hồn cốt làm nên huyền thoại văn học "Lặng lẽ Sapa" của tác giả Nguyễn Thành Long. Là tác phẩ thuộc chương trình Ngữ Văn 9 và là 1 trong những tác phẩm quan trọng, "Lặng lẽ Sapa" có thể xuất hiện trong đề văn kì thi chuyển cấp của các bạn lớp 9 và một trong những chủ đề thường gặp đó là "Phân tích nhân vật Anh Thanh Niên".
Dưới đây Topz xin giới thiệu tới bạn đọc Top 10 bài văn phân tích nhân vật anh thanh niên hay nhất, chinh phục cả những giám khảo khó tính nhất nhé!
Anh Thanh Niên - Người Để Lại Trong Tôi Những Ấn Tượng Khó Phai Mờ
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên - Người Để Lại Trong Tôi Những Ấn Tượng Khó Phai Mờ
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Anh thanh niên chính là 1 hình mẫu lí tưởng của những con người lao động quên mình vì tổ quốc. Anh có trách nhiệm cao với công việc, chưa bao giờ trễ giờ ”ốp”, Anh rất đáng yêu ở nỗi thèm người. Sống 1 mình nhưng rất ngăn nắp, gọn gàng. Khi Bác hoạ sĩ vẽ anh thì anh liền từ chối và giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn anh, chứng tỏ anh là con người rất khiêm tốn.
Gấp lại truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa "của Nguyễn Thành Long lòng ta cứ xao xuyến vấn vương trước vẻ đẹp của những con người, trước những tình cảm chân thành, nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu. Dù được miêu tả ít hay nhiều nhân vật nào của "Lặng lẽ Sa Pa" cũng hiện lên với nét cao quí đáng khâm phục. Trong đó anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.
Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là "người cô độc nhất thế gian". Đã mấy năm nay anh "sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo". Công việc hàng ngày của anh là "đo gió, đo mưa, đo chấn động mặt đất"rồi ghi chép, gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Nhiều đêm anh phải "đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ". Vậy mà anh rất yêu công việc của mình.
Anh quan niệm: "khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?" Anh hiểu rõ: "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi "lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà ". Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, thỉnh thoảng anh xuống đường tìm gặp bác lại xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Sống trong hoàn cảnh như thế sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi " thèm người ", lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách, nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh, toát lên qua nét mặt, cử chỉ: anh biếu bác lái xe củ tam thất, mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ, hồ hởi đón mọi người lên thăm "nhà", hồn nhiên kể về công việc, đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa Pa lặng lẽ. Khó người đọc nào có thể quên, việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm nơi ở của mình là: hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết. Bó hoa cho cô gái, nước chè cho ông hoạ sỹ già, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu... Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý mà còn là kỷ niệm của một tấm lòng sốt sắng, tận tình đáng quí.
Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình: "Không, không, bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn." Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn. Đó là "người cán bộ nghiên cứu sét, 11 năm không xa cơ quan lấy một ngày"... Dù còn trẻ tuổi, anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa, thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.
Bằng một cốt truyện khá nhẹ nhàng, những chi tiết chân thực tinh tế, ngôn ngữ đối thoại sinh động Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa lặng lẽ. Chưa đầy 30 phút tiếp xúc với anh thanh niên, khiến người hoạ sỹ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà mình không bao giờ thể hiện hết được và còn làm cô kỹ sư trẻ lòng bao cảm mến bâng khuâng...
Với truyện ngắn này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định: Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hy sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy, khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.
Tiếng Lòng Của Nguyễn Thành Long Được lạnh Cất Lên Qua Nhân Vật Anh Thanh Niên
• Tên bài văn: Tiếng Lòng Của Nguyễn Thành Long Được Cất Lên Qua Nhân Vật Anh Thanh Niên
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Ở độ tuổi thanh xuân với bao nhiêu khát vọng nhưng anh thanh niên đã chọn Sa Pa lạnh lẽo làm nơi đặt chân cho tuổi trẻ của mình. Có lẽ khát vọng duy nhất của anh là cống hiến bản thân mình cho đất nước. Anh luôn có niềm đam mê với công việc, sống gọn gàng và ngăn nắp. Cuộc sống của anh rất phong phú, anh cũng rất hào phóng khi tặng trứng cho bác hoạ sĩ, lịch thiệp khi tặng hoa cho cô kĩ sư. Anh thanh niên quả thực là hình ảnh tiêu biểu của con người lao động mới.
Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật anh thanh niên.
Tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ có 30’ nhưng đã để lại những dư vị ngọt ngào.
Vẻ đẹp trước nhất mà ta thấy ở anh thanh niên đó là niềm đam mê, trách nhiệm với công việc. Là một người trẻ, chắc hẳn anh cũng mang trong mình nhiều ước mơ và khát vọng được đi đến những khung trời xa, khám phá những mảnh đất mới. Vậy mà, ở độ tuổi thanh xuân mơn mởn ấy, anh đã chọn cho mình công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét quanh năm chỉ có mây mù và sương phủ. Công việc vất vả và cô độc nhưng anh không hề than buồn, than khổ, anh kể về nó một cách hào hứng: Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Anh kể về những máy móc của mình như kể về những người bạn: cái thùng đo mưa, máy nhật quang kí, máy vin, máy đo chấn động vở quả đất. Công việc của anh vô cùng khó khăn, vất vả, lại còn phải chịu thêm cái thời tiết mưa gió khắc nghiệt: mỗi ngày anh phải báo về “nhà” bằng máy bộ đàm bốn lần: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng.
Gian khổ nhất là lần báo về lúc một giờ sáng, khi ấy có cả mưa tuyết. Nếu là người khác, khi nghe thấy tiếng đồng hồ báo thức, có lẽ sẽ tắt đi ngủ tiếp, nhưng anh thì khác. Anh chui ra khỏi chăn, xách ngọn đèn bão ra vườn. Con người thật quá nhỏ bé trước thiên nhiên vũ trụ, nhưng ý chí của con người thì không một thế lực nào có thể đánh bại được. Bên trong con người anh thanh niên chính là cái lửa của tuổi trẻ, cái lửa của nhiệt huyết đối với công việc, ngọn lửa ấm áp ấy đã xua đi phần nào cái giá lạnh của ngọn núi cô đơn lạnh lẽo kia. Công việc của anh nói chung là dễ, nhưng cần độ chính xác cao. Tất cả đều được anh hoàn thành với tinh thần tự giác, sự cần mẫn, chăm chỉ. Đặc biệt, khó khăn hơn cả thời tiết khắc nghiệt, đó là sự cô đơn vắng vẻ, quanh năm không có một bóng người.
Ta còn thấy ở anh thanh niên ngời sáng lên một tâm hồn thật đẹp. Anh có tấm lòng nhân hậu, quan tâm tới mọi người. Quanh năm chỉ làm bạn với rừng xanh, mấy trắng, bão tuyết, sương rơi, ta hiểu vì sao anh lại “thèm người” đến thế. Vì vậy, anh lại càng trân trọng hơn sợi dây liên hệ giữa mình với mọi người. Biết vợ bác lái xe bị ốm, anh biếu bác củ tam thất, ông họa sĩ và cô kĩ sư lên nhà chơi, anh đãi họ bằng món nước chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh. Lúc chào tạm biệt, anh không quên tặng hai làn trứng- đều là những món cây nhà lá vườn.
Cuộc sống của anh không hề nhàm chán mà rất khoa học, ngăn nắp. Anh tự trồng hoa, nuôi gà, tự học và có sách làm bạn lúc cô đơn. Anh thanh niên còn rất đáng yêu trong suy nghĩ. Anh không còn cô đơn nữa vì đã có công việc làm bạn: “Khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Công việc chính là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của anh, là sợi dây gắn kết anh với mọi người. Và công việc ấy càng có ý nghĩa hơn khi anh biết những cống hiến của mình đang góp phần phục vụ cho quê hương, đất nước. Với anh, hạnh phúc chính là làm việc, là cống hiến:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Khi thấy bác họa sĩ định vẽ mình, anh khiêm tốn từ chối và giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn: đó là ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu sét- những con người hi sinh hạnh phúc riêng tư để cống hiến hết mình cho tập thể. Ở anh còn có một tinh thần cầu tiến đáng trân trọng. Anh ngưỡng mộ anh bạn làm việc trên đỉnh Phan-xi-păng, mong muốn làm được nhiều hơn nữa để phục vụ quê hương, đất nước.
Bằng lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, truyện hầu như không có cốt truyện, các nhân vật không có tên riêng, tên nhân vật là tên của công việc, tác giả đã khắc họa thành công bức chân dung nhân vật anh thanh niên- một người sống giữa non xanh lặng lẽ nhưng có một tấm lòng sôi nổi và một trái tim ấm áp. Công việc của anh có thể không ai biết đến, không ai nhớ tên, nhưng chính cái lặng thầm ấy lại là vẻ đẹp toát lên từ con người mộc mạc, giản dị. Anh thanh niên cùng với biết bao người có công việc thầm lặng như anh đang hằng ngày, hằng giờ góp phần làm thay đổi đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Đọc xong tác phẩm, chúng ta tự hỏi: Sa Pa có lặng lẽ không? Sa Pa lặng lẽ trong cảnh vật mơ màng, thơ mộng, nhưng đằng sau cái lặng lẽ ấy lại là một bầu nhiệt huyết, là sự say mê, hết mình và cống hiến. Qua câu chuyện về những mảnh đời lặng lẽ tưởng như thầm lặng, tác giả cũng muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ vì bản thân mà còn vì xã hội, đất nước:
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”
Tóm lại, qua nhân vật anh thanh niên ta thấy được vẻ đẹp trong cách sống trong tâm hồn suy nghĩ của anh. Hình tượng anh thanh niên chỉ thoáng qua như một bức chân dung nhưng cũng đủ khiến cho người đọc trân trọng ngưỡng mộ và quý mến anh. Anh là con người tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam những năm đầu miền Bắc nước ta vừa sản xuất vừa chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đó là một thế hệ một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo phát huy vẻ đẹp ấy.
Anh Thanh Niên - Điểm Sáng Trong Lặng Lẽ Sa Pa
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên - Điểm Sáng Trong Lặng Lẽ Sa Pa
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Chàng trai trẻ 27 tuổi ấy đã quyết tâm rời bỏ chốn đô thị phồn vinh để đến với đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m , Là con người có trách nhiệm, lạc quan, yêu đời, đáng yêu, khiêm tốn. Anh chính là điểm sáng trong câu chuyện đại diện cho những phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi nổi bật trong giai đoạn những năm 60 – 70 chuyên viết về truyện ngắn và bút kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn được sáng tác trong chuyến công tác tại Lào Cai giữa mùa hè 1970. Trong tác phẩm ấy, hình ảnh nhân vật anh thanh niên là điểm sáng trong câu chuyện đại diện cho những phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Là một chàng trai trẻ đã quyết tâm rời bỏ chốn phồn hoa đô thị để lên khu vực đỉnh Yên Sơn cao 2600m, phục vụ công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Nơi ấy quanh năm lạnh giá, sống một mình heo hút giữa đình núi, công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Qua lời kể của bác tài xế, “Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian,…”, “rất thèm người”.
Trong hoàn cảnh cuộc sống khắc nghiệt vậy, anh vẫn sống rất lạc quan và yêu quý, thân thiện với mọi người. Anh giữ gìn nơi ở gọn gàng, anh trồng hoa trong “vườn nhà”. Anh nuôi gà để tăng gia sản xuất như lời kêu gọi của Đảng tới toàn dân. Anh tích cực thực hiện công việc để tạo lập cho mình cuộc sống bình thường như mọi người dưới xuôi.
Dẫu một mình ở nơi vùng cao vùng sâu, anh vẫn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc của mình. Anh đam mê với nhiệm vụ, “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Ở người thanh niên ấy toát lên lối sống giản dị và nhiệt huyết với nghề. Thế nhưng cũng không khiến làm cho anh đôi khi có cảm giác cô độc. Anh luôn khao khát được giao lưu, chuyện trò với mọi người. Khi có khách lên thăm, anh chăm lo cho mọi người khi không quen với cái rét khắc nghiệt. Khi nghe vợ bác tài xế bị ốm, anh đã đào củ tam thất để biếu tặng.
Anh trân trọng tiếp đón ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ một cách thân thiện. Anh sẵn sàng mang tặng họ những quà trứng gà kèm một bó hoa to cho lần gặp đầu tiên. Hành động ấy mang những thông điệp thay lời muốn nói: chỉ cần đều là những người con máu đỏ da vàng, gặp nhau một lần mà cứ ngỡ đã thân thiết từ lâu. Đó chính là sức mạnh kết nối giữa những trái tim nồng ấm, nhân hậu với nhau.
Anh luôn cố gắng sống và cống hiến cho Đảng và Nhà nước. Khi đất nước cần, anh xin ra trận. Không được xông pha nơi mưa bom đạn máu, anh xung phong lên nơi khỉ ho cò gáy này để công tác. Anh tự hào, sung sướng khi biết nhờ có anh phát hiện đám mây khô mà không quân ta hạ được nhiều máy bay Mĩ. Đối với anh, được công hiến, lao động là lý tưởng sống của anh. Anh tâm niệm rằng, công việc có vất vả nhưng anh không thể sống thiếu nó được.
Đối với biết bao người khi được nghe về công việc mà anh chia sẻ, họ chắc hẳn rất tán thưởng, ngưỡng mộ công sức của anh. Thế nhưng anh luôn khiêm tốn, anh nghĩ công việc của mình rất nhỏ bé so với nhiều người khác. Anh hân hoan kể cho mọi người nghe công việc mà anh đã làm biết bao năm qua chỉ trong vỏn vẹn 5 phút nhưng đã đủ để cho ta thấy hết được con người, thiên tính tốt đẹp của anh. Người nghe có thể cảm nhận được tinh thần, niềm hạnh phúc đang lan tỏa từ người con trai ấy.
Đặc biệt hơn nữa, sau khi ông họa sĩ bày tỏ nguyện vọng muốn kí họa về anh, anh đã giới thiệu ngay cho ông những người đáng được ghi nhận hơn. Đó là ông kĩ sư nông nghiệp ngày đêm vất vả tạo ra những củ su hào to hơn vườn rau Sa Pa hay anh cán bộ khí tượng nghiên cứu, thiết lập bản đồ sét. Anh biết rằng, kề bên anh có rất nhiều người cũng đang miệt mài, ngày đêm cống hiến cho sự phát triển của nước nhà. Anh thấu hiểu được giá trị của sự hi sinh thầm lặng nhưng to lớn. Đức tính khiêm tốn ấy của anh thật đáng khâm phục. Bác Hồ đã dạy “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thật hãnh diện biết bao, khi thế hệ trẻ Việt Nam có những lớp người như anh - luôn say mê, nhiệt huyết, có quan niệm đúng đắn về cuộc sống và công việc nhưng vẫn giữ được những đức tính thanh cao.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã khắc họa thành công hình ảnh nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất đáng mến. Anh là tấm gương tiêu biểu cho hình tượng lao động mới trong xã hội mới: dám nghĩ, dám làm không ngại gian khó.
Bằng lối kể truyện gần gũi, chân thực, đồng thời tác giả miêu tả chi tiết, sắc nét những tâm tư, suy nghĩ, hành động của từng nhân vật giúp cho người đọc như được sống cùng nội dung câu truyện ấy. Không chỉ thế, truyện còn giúp ta có thêm những bài học và động lực sống và làm việc có ích hơn cho sự nghiệp của đất nước, trở thành con ngoan trò giỏi, người có ích cho xã hội.
Anh Thanh Niên - Bức Chân Dung Tiêu Biểu Cho Vẻ Đẹp Con Người Việt Nam
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên - Bức Chân Dung Tiêu Biểu Cho Vẻ Đẹp Con Người Việt Nam
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Anh Thanh Niên là chàng trai 27 tuổi có hoàn cảnh sống và làm việc hết sức đặc biệt. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu - đây là 1 công việc vô cùng gian khổ nhưng chưa bao giờ anh trễ hẹn. Anh thanh niên ấy còn đẹp bởi sự lạc quan, yêu đời và lối sống phong phú của mình. Khi có công hạ được máy bay địch, anh không kiêu kì, kể công ngược lại còn vui sướng và cho đó là nhiệm vụ của mình. Những phẩm chất của Anh xứng đáng được noi theo
Nguyễn Thành Long bắt đầu sáng tác từ thời kì kháng chiến chống Pháp và nhanh chóng trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Ông thành công ở truyện ngắn và kí. Những tác phẩm của Nguyễn Thành Long có lối viết vừa chân thực, giản dị, vừa giàu chất trữ tình, tập trung phản ánh vẻ đẹp của con người Việt Nam mới trong lao động và trong chiến đấu. Và anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa chính là chân dung tiểu biểu cho vẻ đẹp con người Việt Nam trong quá trình lao động, xây dựng cuộc sống mới.
Tình huống truyện khá đơn giản, đó là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa. Tạo tình huống ấy giúp tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là để nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực hơn.
Anh thanh niên có hoàn cảnh sống và làm việc hết sức đặc biệt. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm mây phủ. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, anh có nhiệm vụ đo mưa, đo nắng, dự báo thời tiết, để phục vụ chiến đấu và sản xuất. Hoàn cảnh sống cô đơn, khắc nghiệt chính là cơ hội để anh bộc lộ những phẩm chất đẹp đẽ, đáng quý của mình.
Trước hết anh là người có suy nghĩ đúng đắn về công việc, quan niệm về cuộc sống và hạnh phúc. Với công việc anh luôn yêu quý, say mê, dù phải làm việc trên đỉnh nủi cao 2600m nhưng anh còn ước được làm ở nơi cao hơn ấy là đỉnh Phan-xi-păng, bởi với người làm khí tượng, ở càng cao điều kiện làm việc càng lí tưởng. Anh không cho công việc của mình là cô đơn bởi khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được. Bên cạnh đó anh hiểu sâu sắc ý nghĩa công việc của mình, dù gian khổ, phải đi ốp vào một hai giờ sáng nhưng nếu không có công việc anh sẽ buồn biết chừng nào. Lời bộc bạch của anh với mọi người thật đáng yêu mà cũng thật chân thành: Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn chết mất. Đó cũng là lí tưởng sống cao đẹp của anh, được cống hiến hết mình cho đất nước, bởi vật anh luôn nghĩ mình sinh ra là ai, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc. Đây là những quan niệm đúng đắn, thể hiện lí tưởng sống cao đẹp, lành mạnh của anh thanh niên. Về hạnh phúc, đối với anh hạnh phúc là khi góp sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước. Khi biết một lần phát hiện kịp thời đám mây đã giúp quân ta tiêu diệt được máy bay địch trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình vô cùng hạnh phúc. Đồng thời anh cũng có quan niệm hết sức lạc quan về cuộc sống: Một mình trên đỉnh Yên Sơn vời vợi không một bóng người nhưng anh luôn thấy “cuộc đời đẹp quá”, chưa bao giờ thấy cô đơn, buồn tẻ. Vì ở Sa Pa luôn có những người lao động thầm lặng phục vụ cho nhân dân, đất nước như anh. Ngoài ra, anh còn có một nguồn vui khác: niềm vui đọc sách, sách cũng chính là người bạn để anh tâm tình, trò chuyện.
Không chỉ vậy anh còn là người có hành động đẹp, có trách nhiệm trong công việc được giao. Dù sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, công việc không ai đốc thúc nhưng anh vẫn kiên trì, vượt qua mọi khắc nghiệt của hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần tự giác cao. Dù thời tiết khắc nghiệt, mùa đông giá rét anh đều đặn thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Từ những công việc lặng lẽ, âm thầm đó anh đã đóng góp vào chiến thắng của quân dân miền Bắc.
Ngoài ra anh còn có một phong cách sống đẹp, làm việc hết sức nghiêm túc, khoa học. Mặt khác anh còn là người cởi mở, chân thành, quý trọng mọi người. Anh gửi gói thuốc cho vợ bác lái xe, tặng trứng cho mọi người, hái hoa tặng cô kĩ sư. Tất cả cử chỉ đó đều là sự chân thành của anh đối với mọi người. Anh còn là người rất khiêm tốn, luôn cảm thấy công việc và sự đóng góp của mình còn quá nhỏ bé. Vì vậy, khi ông họa sĩ đề nghị vẽ chân dung, anh đã từ chối và giới thiệu cho ông họa sĩ những người mà anh cho là xứng đáng hơn.
Bên cạnh đó ta cũng không thể quên nếp sống đẹp đẽ của anh thanh niên. Anh biết sắp xếp cuộc sống một cách gọn gàng, ngăn nắp. Căn nhà của anh tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng luôn sạch sẽ, gọn gàng khác hẳn với suy nghĩ của ông họa sĩ. Ngoài ra anh còn chủ động tìm đến những thú vui lành mạnh để cân bằng đời sống tinh thần: trồng cây, đọc sách, nuôi gà. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ. Đó là những con người lao động bình dị, lặng lẽ cống hiến cho đất nước.
Để làm nổi bật chân dung của anh thanh niên tác phẩm được trần thuật ở ngôi thứ ba, điểm nhìn trần thuật chủ yếu là của nhân vật ông họa sĩ. Điểm nhìn như vậy khiến câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật. Qua cách nhìn và cảm xúc của ông họa sĩ hình ảnh anh thanh niên hiện lên rõ nét và đáng mến hơn. Ngoài ra ngôn ngữ nhân vật giản dị, mộc mạc, chân thành cũng là điểm nhấn bộc lộ tính cách nhân vật và tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm 70 cuối thế kỉ XX. Vẻ đẹp của anh sẽ là tấm gương ngời sáng cho thế hệ sau học tập và noi theo về sự cống hiến thầm lặng cho đất nước.
Anh Thanh Niên - Người Đã Truyền Cảm Hứng Cho Biết Bao Thế Hệ Bạn Đọc
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên - Người Đã Truyền Cảm Hứng Cho Biết Bao Thế Hệ Bạn Đọc
• Điểm nổi bật của nhân vật: Tuy chỉ xuất hiện chốc lát trong cuộc nói chuyện với ông hoạ sĩ và cô kĩ sư nhưng biết bao phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên đã được bộc lộ rất rõ. Khi được hỏi anh không cô đơn sao? Thì anh bảo: Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao lại 1 mình được. Từ đó để cho ta thấy anh là con người tuyệt vời như thế nào.
Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và bút kí. Truyện của ông rất giàu chất thơ hoạ. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai vào mùa hè năm 1970. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có lý tưởng có lối sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước.
Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh với bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một cách ấn tượng, một kí hoạ chân dung thật đẹp về anh. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng “Trong cái lặng im của SaPa … Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của anh. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết.
Trước tiên ta thấy, hoàn cảnh sống và làm việc của anh đặc biệt gian khổ. Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.
Điều gì đã giúp người thanh niên nhỏ bé 27 tuổi ấy đủ sức mạnh vượt qua được hoàn cảnh khó khăn? Trước hết, đó là do anh có ý thức đúng đắn về công việc, có lòng yêu nghề và thấy được công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Khi một đoàn phi công lên thăm nơi anh ở cho biết nhờ sự phát hiện kịp thời một đám mây khô của anh mà ngày ấy tháng ấy không quân ta đã bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng thì từ đó anh thấy mình thật hạnh phúc. Anh còn có những suy nghĩ rất đúng đắn về ý nghĩa của công việc đối với cuộc sống của con người “khi ta làm việc ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Sống một mình nhưng anh không cô độc buồn chán vì ngoài niềm vui ở công việc anh còn có một niềm vui khác là đọc sách. Sách không chỉ giúp anh cảm thấy cuộc sống không cô đơn buồn tẻ mà sách còn giúp anh cảm thấy hình như lúc nào mình cũng có người bạn để trò chuyện. Anh đã tâm sự với cô kĩ sư “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện nghĩa là sách đấy”. Sống một mình nhưng anh không sống cẩu thả lôi thôi mà thu xếp cuộc sống của mình thật ngăn nắp nề nếp, phong phú và thơ mộng. Ngoài giờ làm việc, đọc sách và tự học, anh còn trồng hoa và nuôi gà. Anh có một vườn hoa lớn với đủ loại: dơn, thược dược… , có đủ trứng gà để ăn và tặng cho người khác. Phong cách sống ấy của anh đã khiến cho ông hoạ sĩ già xúc động và nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”.
Anh thanh niên còn có những nét tính cách và phẩm chất đáng mến khác. Anh là người chân thành cởi mở, biết quý trọng tình cảm của mọi người, biết quan tâm đến mọi người và khao khát được gặp gỡ trò chuyện với mọi người. Anh đã từng lấy khúc gỗ chặn đường cho xe dừng lại để được gặp gỡ trò chuyện với mọi người, vui sướng hạnh phúc khi có khách đến thăm. Nghe nói vợ bác lái xe bị ốm, anh đi tìm đào củ tam thất biếu vợ bác lái xe ngâm rượu uống cho mau lại sức. Anh hái một bó hoa thật to để tặng cho cô kĩ sư và chu đáo chuẩn bị một làn trứng cho mọi người đi ăn đường.
Nét đáng quý nhất của anh thanh niên là đức tính khiêm tốn giản dị. Cuộc sống riêng của anh thu gọn trong gian trái của căn nhà với một chiếc giường con, cái bàn học và chiếc giá sách. Những đóng góp của anh tuy thầm lặng nhưng rất lớn. Vậy mà anh luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, không có gì là đáng kể. Thấy ông hoạ sĩ vẽ phác họa chân dung của mình, anh tìm cách từ chối và nhiệt tình giới thiệu với ông hoạ sĩ những người mà theo anh là đáng khâm phục hơn.
Qua hình ảnh anh thanh niên, ta thấy anh có một vẻ đẹp tâm hồn của một tri thức mới, gắn bó với nghề nghiệp, thiết tha yêu cuộc sống, yêu đất nước. Anh là tấm gương hy sinh quên mình vì lý tưởng phục vụ đất nước. Cũng chính vì thế, chỉ với cuộc gặp gỡ chưa đầy nửa giờ mà anh đã hoàn toàn chinh phục được người đối diện. Chẳng những thế, anh còn tác động sâu sắc đến mọi người. Ông họa sĩ thì từ chỗ xúc động bị cuốn hút đến bối rối, băn khoăn vì anh đã khiến ông nhận ra một suy nghĩ chưa được đúng của mình. Và cũng chính ông đã bắt gặp sự rung động nghệ thuật, khiến ngòi bút ông muốn ký họa vẻ đẹp của con người mới để mọi người được chiêm ngắm một chân dung của cuộc sống mới chứ không phải như những ngôi sao xa xôi. Cô kĩ sư thì tò mò, ngạc nhiên đến một ấn tượng hàm ơn khó tả... Cô nàng tin vào cuộc sống và cảm nhận việc từ bỏ mối tình nhạt nhẽo là một quyết định đúng đắn.
Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau … đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình ảnh anh thanh niên đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Để mỗi lần lần giở trang văn của Nguyễn Thành Long chúng ta cảm thấy rung lên cảm xúc yêu mến, cảm phục, tự hào để sống có ích hơn.
Nét Đẹp Về Phẩm Chất, Tâm Hồn, Lối Sống Của Anh Thanh Niên
• Tên bài văn: Nét Đẹp Về Phẩm Chất, Tâm Hồn, Lối Sống Của Anh Thanh Niên
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Anh Thanh Niên là con người lao động có niềm đam mê mãnh liệt và trách nhiệm cao trong công việc. Giờ làm việc của anh thường là 1h sáng thời điểm khác nghiệt nhất tại Sa Pa giá lạnh nhưng chưa bao giờ anh trễ hẹn với công việc. Sống một mình nhưng luôn ngăn nắp, anh không thu mình vào sự cô đơn thay vào đó anh rất cởi mở và hiếu khách, đặc biệt là rất đáng yêu ở nỗi ”thèm người”.
Xuất hiện trên diễn đàn văn học Việt Nam với lối viết tinh tế, lịch lãm, nhà văn Nguyễn Thành Long được biết đến qua những sáng tác được ví như "một thứ thơ bằng văn xuôi về cuộc sống mới, con người mới". Điều này đã được thể hiện qua trích đoạn "Lặng lẽ Sa Pa". Qua tác phẩm, tác giả đã khám phá, khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động. Điều này đã được thể hiện rõ qua hình tượng anh thanh niên qua những nét đẹp về phẩm chất, tâm hồn và tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như sự cống hiến thầm lặng đầy cao đẹp.
Trong bối cảnh bức tranh thiên nhiên thơ mộng, mờ ảo, tác giả đã ngợi ca những con người lao động luôn sống và làm việc với lòng say mê nhiệt thành, đặc biệt là hình tượng nhân vật anh thanh niên với những nét đẹp đáng trân trọng. Anh thanh niên xuất hiện trong trang văn của tác giả qua hoàn cảnh sống và làm việc hết sức khắc nghiệt. Sống trên đỉnh núi cao 2600m cùng mây mù và cây cỏ, công việc hằng ngày của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng,tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu". Dù sống trong không gian heo hút cùng khí hậu khắc nghiệt "Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc", đặc biệt là phải chống chọi với sự cô đơn nhưng anh vẫn vượt lên mọi trở ngại, khó khăn bằng những phẩm chất cao đẹp.
Trước hết, bức chân dung về nét đẹp của con người lao động được tái hiện qua lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc. Dù làm việc trên đỉnh núi cao và không có người thúc giục, giám sát nhưng anh thanh niên vẫn làm việc hết mình và tự giác: luôn báo "ốp" đúng giờ suốt mấy năm ròng rã, không ngần ngại làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: "Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc". Động lực để chàng thanh niên có thế vượt qua mọi khó khăn chính là lòng yêu nghề, thể hiện qua việc anh hăng say nói về công việc một cách say mê và đầy tự hào và coi đó là lẽ sống:"[...] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Quan điểm của anh thanh niên đã thể hiện rõ triết lí: "Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp".
Sống trên đỉnh núi cao giá lạnh cùng sự cô đơn nhưng anh thanh niên vẫn tạo ra cho mình một nếp sống văn minh và ngăn nắp. Điều này thể hiện qua cách bài trí bình dị nhưng khoa học trong căn nhà nhỏ: "một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm". Ngoài công việc, anh còn nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu trí tuệ, mở mang hiểu biết bằng thú vui đọc sách, xem sách là phương tiện để tìm hiểu, giao lưu với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, những thú vui tao nhã như trồng hoa, nuôi gà cũng góp phần làm cho cuộc sống của anh trở nên phong phú, đa dạng hơn.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngay từ những trang văn đầu tiên của thiên truyện, anh thanh niên còn xuất hiện với vẻ đẹp của sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách. Cuộc đối thoại và hành động ân cần của anh đối với bác lái xe cùng niềm vui khi có khách ghé thăm bất ngờ đã cho thấy sự trân trọng giá trị tình cảm và khao khát được gặp gỡ, trò chuyện của nhân vật. Ngoài ra, đây còn là chàng trai khiêm tốn và thành thực. Mặc dù làm việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt và đem đến những cống hiến vĩ đại nhưng khi ông họa sĩ ngỏ lời phác họa chân dung, anh nhiệt thành giới thiệu những người khác và cho rằng những đóng góp của mình chỉ là bé nhỏ.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được nhân vật anh thanh niên ngời sáng những vẻ đẹp về cách nghĩ, tinh thần, tình cảm cũng như cách sống và làm việc, trở thành một biểu tượng đẹp, minh họa cho bức chân dung của những con người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời thể hiện rõ tài năng xây dựng tình huống truyện và xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Anh Thanh Niên Là Hình Ảnh Tiêu Biểu Của Thế Hệ Trẻ Trong Xã Hội Mới
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên Là Hình Ảnh Tiêu Biểu Của Thế Hệ Trẻ Trong Xã Hội Mới
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Dù sống cô đơn một mình trên đỉnh núi Yên Sơn nhưng anh luôn biết làm đẹp cho cuộc sống của mình. Anh đọc sách, trồng hoa, nuôi gà,.. Khi nghe vợ bác lái xe bị ốm, anh liền tặng bác củ tam thất. Anh luôn đúng giờ trong những thời điểm khắc nghiệt nhất. Anh chính là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.
Trong nền văn xuôi cách mạng Việt Nam, Nguyễn Thành Long là cái tên tiêu biểu cho thể loại truyện ngắn và kí. Những tác phẩm của ông rất chân thực, giản dị nhưng lại giàu chất trữ tình kể về những con người lao động hăng say trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ SaPa” chính là đại diện tiêu biểu cho hình tượng đó.
Tác phẩm ra đời vào những năm 1970 trong lúc miền Bắc đang hăng sau lao động sản xuất xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam thân yêu chống Mỹ. Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ khá ngắn ngủi giữa bác lái xe, ông họa sĩ, cô kỹ sư nông nghiệp và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, SaPa.
Tác giả miêu tả về hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên một cách chi tiết, chân thực để qua đó cho chúng ta thấy được một cuộc sống không dễ dàng. Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m quanh năm suốt tháng chỉ có mây bao phủ với cái lạnh “cắt da cắt thịt”. Công việc của anh là làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, anh có nhiệm vụ đo mưa, đo nắng dự báo thời thiết để phục vụ cho công cuộc sản xuất và chiến đấu.
Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt nhưng anh luôn biết cách tìm cho mình niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống. Anh luôn tạo môi trường sống của mình sạch sẽ và không gian sống với các vườn hoa tự trồng, anh còn nuôi gà để tăng gia…Những công việc đó giúp anh tạo lập một cuộc sống bình thường để anh không còn cảm thấy buồn chán và cô đơn.
Khi nghe bác lái xe kể về vợ của mình bị ốm anh liền mang một củ tam thất để biếu bác đem về cho bác gái. Với cô kĩ sư nông nghiệp và ông họa sĩ ông biếu họ những quả trứng gà cùng với một bó hoa to. Hành động của anh thanh niên cho thấy tấm lòng nhiệt tình, nhân hậu và đức tính tốt đẹp của anh nói riêng và của người Việt Nam dành cho nhau nói chung.
Trong công việc anh là người luôn tuân thủ đúng giờ giấc dù thời tiết có khắc nghiệt đến bao nhiêu thì anh luôn hoàn thành công việc của mình. Bên cạnh đó anh còn là người rất ham học hỏi bằng việc dành thời gian để đọc sách. Những cống hiến của anh vô cùng quan trọng đối với đất nước nhưng anh thanh thiên cực kỳ khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình rất bình thường và nhỏ bé so với bao người khác. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ trong xã hội mới luôn sống bình dị, lặng lẽ để cống hiến cho đất nước cho dân tộc.
Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa với nhân vật hình tượng anh thanh niên luôn lạc quan, yêu đời, đam mê công việc cùng những đức tính cao đẹp. Tác giả Nguyễn Thành Long muốn ca ngợi những con người luôn lao động một cách say mê và quên mình vì đất nước giúp ta thêm yêu cuộc đời, yêu cuộc sống.
Lý Tưởng Sống Của Anh Thanh Niên Chính Là Lý Tưởng Của Cả Thời Đại
• Tên bài văn: Lý Tưởng Sống Của Anh Thanh Niên Chính Là Lý Tưởng Của Cả Thời Đại
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Anh Thanh Niên là 1 chàng trai 27 tuổi sống và làm việc trên đỉnh núi yên Sơn cao 2600m, Anh là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh có tấm lòng cởi mở, hiếu khách. Anh sống rất lạc quan và yêu đời, luôn biết tự làm đẹp cho cuộc sống mình. Anh cho rằng: tuổi trẻ là để cống hiến bản thân mình cho tổ quốc và chính lý tưởng đó của anh là lý tưởng của cả thời đại
Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiều tác phẩm độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Ra đời trong chuyến đi thực tế lên Lào Cai vào mùa hè năm 1970, truyện đã khắc họa thành công hình tượng những người lao động bình dị với những vẻ đẹp đáng quý và tiêu biểu nhất là nhân vật anh thanh niên, Đồng thời, thông qua nhân vật anh thanh niên giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa, nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Như chúng ta đã biết, công việc của anh thanh niên chính là “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu” và nói rõ ra, công việc chính của anh chính là đưa ra những dự báo chính xác để phục vụ cho chiến đấu và sản xuất thông qua việc đo nắng, đo gió, đo chấn động địa cầu,... Có thể nói, đó là một công việc hết sức khó khăn, đầy những gian nan. Song có lẽ, nơi ở của anh thanh niên còn khiến người đọc bất ngờ và khâm phục hơn nữa. Ở cái tuổi còn rất trẻ, ấy vậy mà anh thanh niên lại sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn với độ cao hơn 2600 mét và ở cái độ cao ấy, suốt bốn mùa chỉ toàn “cây cỏ và mây mùa lạnh lẽo”. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, thiếu thốn, công việc đầy những khó khăn thế nhưng anh thanh niên vẫn luôn hiện lên với những vẻ đẹp, những phẩm chất đáng trân quý.
Ở anh thanh niên, trước hơn hết, chúng ta thấy hiện lên vẻ đẹp của một con người có trách nhiệm, yêu lao động và luôn hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Sống một mình giữa đỉnh núi cao, với một công việc đòi hỏi sự chính xác cao, không có ai theo dõi, quản lí nhưng anh thanh niên vẫn luôn hoàn thành công việc đúng giờ theo quy định, báo kết quả công việc của mình về “nhà” theo đúng giờ đã đặt ra - “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và lại một giờ sáng”. Dẫu với mọi người, công việc của anh khó khăn và đầy những vất vả nhưng anh lại luôn có một quan niệm thật đẹp về công việc của mình “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”. Hơn thế nữa, anh rất yêu công việc của mình, xem nó là cuộc sống của mình bởi với “Công việc của cháu gian khổ thật đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất” và có lẽ cũng bởi tình yêu ấy nên anh luôn nói về công việc của mình với tất cả tình yêu, sự hào hứng.
Không chỉ yêu lao động, có trách nhiệm trong công việc, anh thanh niên còn là người có tấm lòng cởi mở, hiếu khách và biết cách quan tâm những người xung quanh. Sống một mình giữa đỉnh núi cao, anh luôn mong muốn có người đến thăm, nói chuyện, kể cho anh những câu chuyện ở miền xuôi bởi lẽ anh luôn cảm thấy “thèm người”. Anh thanh niên đã tiếp đón những người khách đến thăm nhà mình bằng tất cả tấm lòng nhiệt thành, tấm lòng cởi mở, sự nồng hậu, ấm áp. Anh mời những người khách đến thăm nhà mình nước chè được pha từ nước mưa Yên Sơn, anh tặng cho cô gái bó hoa và khi mọi người ra về anh còn tặng mọi người làn trứng gà. Không chỉ hiếu khách, anh thanh niên còn rất mực quan tâm tới người khác. Anh tặng bác lái xe của tam thất anh vừa đào được chỉ bởi lần trước anh thấy bác lái xe nói bác gái đang ốm. Những hành động, cách ứng xử của anh thanh niên đã để lại ấn tượng thật đẹp trong lòng mọi người và để rồi, ông họa sĩ phải thốt lên rằng “người con trai ấy đáng yêu thật”.
Đồng thời, anh thanh niên còn là người biết sắp xếp công việc, cuộc sống một cách khoa học và hợp lí. Sống một mình trên đỉnh núi cao, chắc hẳn mọi người đều nghĩ anh sẽ không mấy để ý sắp xếp cho nơi ở của mình như suy nghĩ của ông họa sĩ “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gặp chăn chẳng hạn” nhưng về thăm nơi ở của anh thanh niên mọi người sẽ thấy hoàn toàn ngược lại. Nơi ở của anh là một căn phòng trên đỉnh núi, anh sống một mình nhưng vẫn sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng và vẫn giữ những thói quen thật tuyệt - anh trồng hoa, cả một vườn hoa với muôn vàn màu sắc, anh còn nuôi gà, uống nước chè mỗi ngày,... Và đặc biệt, anh rất thích đọc sách và có lẽ với anh, những cuốn sách ấy là người bạn để anh trải lòng mình, làm giàu có thêm cho tâm hồn và tri thức của bản thân. Để rồi, những người khách khi ghé thăm nơi anh ở sẽ mãi ấn tượng với khung cảnh “một căn nhà ba gian sạch sẽ với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại trong một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”.
Thêm vào đó, ở anh thanh niên ta còn thấy hiện lên vẻ đẹp của một người sống khiêm tốn, chân thật. Mặc dù, công việc của anh có mối quan hệ mật thiết với công cuộc chiến đấu, sản xuất nhưng với anh đó vẫn chỉ là công việc bình thường như biết bao công việc khác. Đặc biệt, sự khiêm tốn ở anh còn được thể hiện rõ nét khi ông họa sĩ muốn vẽ anh, anh đã từ chối vì với anh, còn có rất nhiều người đáng để ngợi ca, để vẽ hơn mình - “Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn”.
Như vậy, anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” hiện lên với nhiều vẻ đẹp, phẩm chất đáng quý và qua đó đã thể hiện ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm. Thông qua hình tượng nhân vật anh thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã ngợi ca những con người lao động, hi sinh thầm lặng để cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Đồng thời, chính cuộc sống lao động giản dị nhưng cao đẹp ấy sẽ góp phần tạo nên vẻ đẹp tâm hồn trong mỗi con người.
Tóm lại, với những câu văn nhẹ nhàng, trong sáng, cùng lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật anh thanh niên với nhiều vẻ đẹp đáng quý trọng. Anh thanh niên chính là hình ảnh tiêu biểu cho những người lao động bình dị, đang âm thầm nỗ lực, cố gắng để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp, giàu mạnh hơn.
Những Con Người Thầm Lặng Hi Sinh Cho Tổ Quốc
Tên bài văn: Những Con Người Thầm Lặng Hi Sinh Cho Tổ Quốc
Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Anh Thanh Niên - Nhân vật chính của câu chuyện thực sự đã để lại trong lòng bạn đọc biết bao luyến lưu, xao xuyến bởi tính cách vui vẻ, lạc quan nhưng lại vô cùng tỉ mỉ, trách nhiệm với nghề và những cống hiến thầm lặng lớn lao. Qua đó ta thấy được sự hi sinh thầm lặng của những con người lao động ấy, họ không cần được tôn vinh, không cần được biết đến. Chỉ cần thấy tổ quốc phồn vinh là trong lòng họ đã hạnh phúc lắm rồi.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước và kháng chiến chống Mỹ có biết bao nhiêu con người hi sinh thầm lặng và không phải ai cũng biết đến. Sự hi sinh của họ cao cả không thua kém gì những người chiến sĩ đang ngoài chiến trận. Đó chính là hình ảnh anh thanh niên trong tác phẩm Lặng Lẽ Sa Pa. Tác phẩm được tác giả viết vào những năm đầu Miền Bắc trong thời kì đổi mới và chi viện cho Miền Nam chống Mỹ. Nhân vật anh thanh niên là một trong những nhân vật chính của truyện, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi tính cách vui vẻ, lạc quan nhưng lại vô cùng tỉ mỉ, trách nhiệm với nghề và những cống hiến thầm lặng lớn lao. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong lặng lẽ sa pa để hiểu hơn về những con người thầm lặng hi sinh cho tổ quốc thời kỳ đổi mới.
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong lặng lẽ sa pa – Đất nước những năm đầu đổi mới biết bao gian khổ. Nếu Miền Nam đang kháng chiến chống Mỹ thì Miền Bắc phải gia tăng sản xuất để làm hậu phương vững chắc giúp Miền Nam kháng chiến thành công. Anh thanh niên chính là điển hình cho thanh niên miền Bắc, hi sinh hạnh phúc cá nhân để sống và cống hiến cho tổ quốc, một thái độ sống đẹp trước cuộc đời, trước đất nước.
Nghe tin có người đến chơi, anh thanh niên vội vã xuống đón. Lúc này đây, qua những câu chuyện nhỏ độc giả mới hiểu hơn về cuộc sống của chàng trai 27 tuổi trên đỉnh Yên Sơn Cao cao hơn hai ngàn sáu trăm mét. Nơi mà chỉ có núi và mây, gió, bầu trời, không một bóng người. Có thể cuộc sống của anh hiện tại vô cùng khắc nghiệt, éo le chỉ có cây cỏ và mùa lạnh lẽ. Một công việc đầy khó khăn như vậy với một người thanh niên quả không dễ. Những tưởng anh sẽ cô đơn nơi núi rừng thăm thẳm, mây cao vời vợi. Nhưng không ý chí của anh vượt lên tất cả, ngoài công việc đo mưa, đo nắng, đo chấn động anh vẫn trồng rau , nuôi gà gia tăng sản xuất. Sống một mình trên đỉnh núi nhưng anh rất có trách nhiệm với công việc và lao động. Anh yêu công việc của mình và luôn hoàn thành xuất sắc khi được giao. Không có ai giám sát, quản lí nhưng anh vẫn luôn hoàn thành đúng giờ, theo quy định. Anh tâm sự có đợt trời mưa gió rét anh vẫn phải chạy ra xem. Điều này cho thấy anh là người sống trách nhiệm và yêu công việc dường nào.
Anh quan niệm, khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao gọi là một mình được. Đây không phải là sự an ủi của bản thân mà đây là nhận thức cao cả của người chiến sĩ thầm lặng. Nếu không thể ra chiến trường chiến đấu trực tiếp với Mỹ, thì ta có thể ở nhà đo mưa, đo nắng, đo chấn động để dự báo tình hình cho lãnh đạo biết. Anh còn khoe có đợt anh nhìn thấy đám mây khô nghi ngờ máy bay địch và báo cho lãnh đạo, nhờ vậy mà ta đã hạ được máy bay địch dễ dàng.
Anh rất yêu công việc của mình, vất vả là thế, gian khổ là thế nhưng : “Công việc của cháu gian khổ thật đấy chứ cất nó đi, cháu buồn biết mấy”. Lời chia sẻ chân thành rút gan rút ruột của anh khiến độc giả cũng phải cảm động. Liệu có ai yêu công việc như anh, một công việc hà khắc, chỉ có mình với núi với lạnh lẽo? Anh luôn nói về công việc của mình với một niềm tự hào và bằng tất cả tình yêu. Đó là lí do vì sao, giữa thời chiến, đất nước chúng ta lại có thể vượt qua đế quốc Mỹ được bởi chúng ta có những người lính thầm lặng, kiên cường hơn sắt đá.
Không chỉ yêu công việc, miệt mài với công việc, coi công việc là người bạn tri kỉ, khi đã làm là hết mình, dốc hết lực, anh thanh niên lại còn là người cực kỳ cởi mở, chân thành và hiếu khách. Sống một mình ở đỉnh núi cao anh luôn mong muốn có người đến thăm, nói chuyện và luôn cảm thấy “thèm người”. Vì vậy, nghe nói có người đến thăm anh tiếp đón những vị khách nồng nhiệt, chân thành bằng tất cả tấm lòng mình. Anh tặng bắc lái xe củ tam thất anh đào được được coi là nhân sâm nơi vùng núi hẻo lánh, anh tặng cô kỹ sư bó hoa, anh họa sĩ chục trứng gà anh nuôi trên đỉnh núi. Tấm lòng của anh chân thàn, nồng nhiệt là thế, không cầu kỳ hoa mỹ mà chỉ giản đơn chân thành bằng những gì mình có được.
Khi gặp được những vị khách dưới xuôi, anh chân thành chia sẻ với mọi người về cuộc sống của anh trên đỉnh núi cao. Những tưởng buồn tẻ cô đơn lắm, nhưng không. Anh đã thổi vào cuộc sống ấy một màu sắc tuyệt vời và không hề buồn tẻ. Công việc là bạn của anh, sách cũng là bạn của anh. Anh yêu thích trồng rau, nuôi gà và vẫn giữ thói quen uống nước chè. Anh cũng trồng một vài khóm hoa để tô thềm màu cho nơi anh ở. Anh sắp xếp gọn gàng mọi thứ, như một thói quen tuyệt vời. Ngày nào anh cũng có việc, anh không có thời gian nghĩ buồn. Với anh, được sống và cống hiến hết mình vì công việc, vì đất nước là một niềm vui, niềm tự hào khôn xiết
Chỉ qua một vài lời kể chia sẻ chân thành từ anh khi đón tiếp những người bạn dưới xuôi mà chúng ta có thể hiểu hơn về cuộc sống, tính cách của anh. Công việc của anh hà khắc thế, sự hi sinh của anh tuy thầm lặng mà lớn lao là thế nhưng anh lại sống giản dị, và với anh anh coi đó là công việc bình thường như biết bao công việc khác. Khi ông họa sĩ muốn vẽ anh, anh từ chối vì anh thấy còn rất nhiều người đáng để ngợi ca để vẽ hơn mình.
Chỉ với bấy nhiêu thôi, chúng ta cũng thấy được một con người hào sảng, sống chân thành, không khoa trương. Qua đấy chúng ta càng yêu và hiểu hơn sự hi sinh thầm lặng của thế hệ thanh niên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Miền Bắc. Cuộc sống lao động tuy giản dị nhưng vô cùng cao đẹp, đã tạo nên vẻ đẹp tâm hồn của mỗi con người. Đặc biệt, ca ngợi những con người vô danh (như anh thanh niên và không có tên cụ thể) đã thầm lặng cống hiến cho đất nước, dân tộc. Sự hy sinh của họ lớn lao nhưng lại không cần vinh danh.
Nếu như truyện Sapa đã ca ngợi những con người lặng lẽ cống hiến cho đất nước thì nhân vật anh thanh niên lại là tiêu biểu, là trung tâm Anh cũng như bao người khác với công việc thầm lặng của mình đã đóng góp công sức lớn lao thay đổi đất nước trong thời kỳ đổi mới, cuộc dời mới. Công việc của anh thanh niên, thái độ sống của anh khiến người đọc ngưỡng mộ và trân trọng vô cùng. Tâm hồn anh cũng đã làm nên chất thơ trong trẻo trong tác phẩm, giúp tác phẩm chạm đến trái tim người đọc.
Anh Thanh Niên - Hình Ảnh Tiêu Biểu Cho Những Con Người Sa Pa
• Tên bài văn: Anh Thanh Niên - Hình Ảnh Tiêu Biểu Cho Những Con Người Sa Pa
• Đặc điểm nổi bật của nhân vật: Dưới cái nhìn của bác lái xe, anh thanh niên được cho là người cô độc nhất thế gian. Nhưng với anh thanh niên thì không phải như vậy, ngược lại, anh sống rất vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Anh làm phong phú cho cuộc sống của mình bằng việc đọc sách, trồng hoa, nuôi gà,... Anh lại còn rất cơi mở và hiếu khách, tặng hoa và tặng trứng cho cô kĩ sư và ông hoạ sĩ - những người mà trước đây anh chưa hề quen biết. Anh Thanh Niên chính là bức chân dung điển hình của con người lao động trong xã hội mới
Nhắc tới nhà văn Nguyễn Thành Long là chúng ta nhắc tới một cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí tiêu biểu, đáng chú ý của nền văn học hiện đại Việt Nam trong những năm 60-70 của thế kỉ XX. Với một phong cách viết truyện nhẹ nhàng, mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng, Nguyễn Thành Long đã để lại cho đời những tác phẩm có sức sống lâu bền ngân nga, vang vọng với thời gian năm tháng. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật ấy. Truyện đã phác họa thành công hình ảnh con người lao động bình dị vô danh, đang ra sức cống hiến làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước. Trong đó, hình tượng nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m là một nhân vật có tính chất đại diện cho vẻ đẹp toàn diện của con người mới trong những năm đầu xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai vào mùa hè năm 1970 của Nguyễn Thành Long. Qua câu chuyện, nhà văn muốn khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp và ý nghĩa của những công việc lao động mà những con người đang cống hiến một cách thầm lặng.
Nhân vật anh thanh niên là nhân vật chính trong truyện. Tuy nhiên, anh lại không xuất hiện một cách trực tiếp ngay ở mở đầu truyện mà lại xuất hiện qua lời giới thiệu của bác lái xe với ông họa sĩ và cô gái kĩ sư trẻ khi họ nghỉ ngơi bên dọc đường. Điều đó cho thấy cách dẫn truyện rất khéo léo của NTT, đồng thời nhân vật hiện lên cũng rất tự nhiên, chân thực, khách quan qua cái nhìn và đánh giá của nhân vật khác. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên và ông họa sĩ, cô kĩ sư tuy rất ngắn ngủi nhưng người đọc cũng đủ cảm nhận thật sâu sắc hoàn cảnh sống, làm việc và những phẩm chất tốt đẹp, cũng như những cống hiến thầm lặng của anh thanh niên đối với quê hương, đất nước. Đúng như nhà văn đã nói về tác phẩm của mình: “Nghĩ cho cùng Lặng Lẽ Sa Pa là một chân dung…”. Đó là chân dung đẹp đẽ – gương mặt tinh thần có sức tỏa sáng của người thanh niên hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2.600 mét giữa rừng núi Sa Pa.
Dưới cái nhìn của bác lái xe, anh thanh niên được gọi bằng một cái tên vô cùng đặc biệt “người cô độc nhất thế gian”. Cách gọi ấy quả thực rất đúng với hoàn cảnh sống của anh khi mà quanh năm suốt tháng, bốn bề anh chỉ biết làm bạn với cỏ cây, mây núi Sa Pa. Buồn tẻ tới mức anh phải hạ cây chắn ô tô lại để được trông thấy và nghe thấy tiếng người nói vì “thèm người quá”.Công việc của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mấy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc này đỏi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết hay lạnh giá thế nào thì vẫn phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Đặc biệt là khi thời tiết khắc nghiệt trên cao, khi làm việc xong thì trở về không tài nào ngủ được nữa. Nhưng có lẽ, cái gian khổ nhất với chàng trai trẻ này là sự cô đơn, quanh năm suốt tháng không có một bóng người qua lại. Hoàn cảnh sống và công việc của anh thanh niên thật đặc biệt. Nhưng tất cả những khó khăn, gian khổ ấy anh đều vượt qua để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng việc cống hiến cho đời.
Mặc dù sống trong hoàn cảnh cô đơn, hằng ngày chỉ đối diện với mình, không có một bóng người bầu bạn nhưng anh không hề cảm thấy buồn tẻ, chán nản khi nào. Bởi anh tâm niệm: “Khi ta làm việc, ta với công việc đôi, sao gọi là một mình được. Huống chi công việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia, công việc của cháu gian khổ thế đáy, chứ cất nó đi cháu buồn chết mất”. Anh coi công việc chính là người bạn đồng hành với mình trong cuộc sống.Thậm chí anh hiểu sự cống hiến của mình và nó sợ dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh anh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”. Hạnh phúc đối với anh thật ý nghĩa biết bao khi anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính những suy nghĩ với thái độ sống tích cực ấy đã khiến anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình mà hướng tới cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn.
Trong công việc và trong cuộc sống anh luôn nghiêm túc, có tính kỉ luật cao, luôn sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc. Ngày nào cũng thế, nửa đêm đúng giờ “ốp”, dù mưa tuyết lạnh giá thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc. Anh làm việc đều đặn, chính xác đủ bốn lần trong ngày vào lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Chàng thanh niên trẻ tuổi luôn biết cách tìm cho mình một niềm vui riêng nơi vắng vẻ cô đơn: lấy sách để “trò chuyện” và trau dồi kiến thức. Có lẽ chính vì lòng yêu nghề, yêu cuộc sống hòa cùng với tinh thần cần cù, chăm chỉ, anh đã rất thạo nghề, giỏi nghề “Ban đêm không nhìn máy, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng có thể nói được mây, tính được gió… Anh biết cống hiến cho công việc chung nhưng cũng không quên làm đẹp cho cuộc sống riêng của mình. Nơi anh ở có một vườn hoa rực rỡ đủ màu, anh nuôi cả đàn gà và trồng cả những luống rau để phục vụ tự cung tự cấp cho cuộc sống của mình. Khi mời ông họa sĩ và cô kĩ sư nông nghiệp lên nhà chơi, xong anh chạy về trước không phải là anh “chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn” như ông họa sĩ nghĩ mà anh chạy về trước để cắt hoa, pha trà đón khách. Điều đó cho thấy anh thực sự là con người sống rất tình cảm, chu đáo, cẩn thận.
Tuy phải sống một mình nơi hoang vu, lạnh lẽo nhưng anh rất quan tâm đến chuyện dưới xuôi. Trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, anh cũng rất tình cảm và chu đáo. Anh đón tiếp mọi người nồng hậu: anh tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, tặng hoa và tặng trứng cho cô kĩ sư nông nghiệp và ông họa sĩ già. Và khi chia tay thì anh cảm thấy thật lưu luyến và không quên hẹn gặp lại mọi người… Điều đó cho thấy anh là người có tính cách cởi mở chân thành và thực sự rất hiếu khách.
Không dừng lại ở đó, anh thanh niên còn hiện lên là một người khiêm tốn và thành thực. Anh luôn cảm thấy công việc và sự cống hiến của mình thật nhỏ bé. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh muốn từ chối nhưng “để khỏi vô lễ, người con trai vẫn ngồi yên cho ông vẽ”. Anh thao thao giời thiệu nhiệt tình với ông những người khác mà anh cho rằng đáng cảm phục hơn anh, đáng vẽ hơn anh ( ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét)
Tóm lại, chỉ bằng một vài chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc rất ngắn của truyện, tác giả đã phác họa thành công chân dung nhân vật chính với những nét đẹp lí tưởng, hoàn cảnh sống, cách làm việc cùng những phẩm chất cao đẹp. Anh là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho những con người ở Sa Pa, là chân dung người lao động trong thời đại mới, thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên đây là 10 Bài Phân Tích Nhân Vật Anh Thanh Niên hay nhất, nhận được sự yêu thích của đông đảo các bạn học sinh cũng như "cơn mưa lời khen" từ thầy cô giáo. Qua lời phân tích của các bạn, hình ảnh anh thanh niên vui vẻ, lạc quan, yêu đời, cởi mở và hiếu khách, đại diện cho tuổi trẻ đầy khát khao cống hiến hiện lên rõ mồn một. Hi vọng, đây sẽ là nguồn tài liệu quý giá giúp các em chọn lọc các ý chính cho bài viết của mình và chuẩn bị thật tốt cho các kỳ thi quan trọng nhé!
Bình luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận.
Báo lỗi
Địa điểm liên quan
Top 15 thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Việt Nam chất lượng cao được nhiều người yêu thích
Top 10 Ô tô - xe máy - xe đạp những phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày 12/2023
Top 5 phim Ngao Thụy Bằng "đỉnh của chóp" xóa bỏ định kiến hot boy đóng phim
Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!